Thiết kế và chế tạo USS_Canberra_(CA-70)

Thiết kế

Sau khi những giới hạn về tải trọng của tàu tuần dương hạng nặng do Hiệp ước Hải quân Washington quy định được dỡ bỏ, lớp Baltimore được thiết kế về căn bản dựa trên chiếc USS Wichita, và một phần cũng dựa trên lớp tàu tuần dương hạng nhẹ lớp Cleveland đang được chế tạo. Những chiếc Baltimore có trong lượng choán nước tiêu chuẩn lên đến 14.500 tấn Anh (14.733 t), và trang bị chín khẩu pháo 8 in (200 mm) trên ba tháp pháo ba nòng. So với lớp Wichita, vũ khí phòng không hạng nhẹ tiếp tục được tăng cường: 12 khẩu đội Bofors 40 mm bốn nòng (48 nòng pháo) cùng với 20-28 khẩu Oerlikon 20 mm. Sau Thế chiến II, pháo phòng không 20 mm bị tháo dỡ do kém hiệu quả, và pháo Bofors 40 mm được thay thế bằng pháo 3-inch/50-caliber trong thập niên 1950.

Chế tạo

Canberra được đặt lườn như là chiếc USS Pittsburgh bởi xưởng tàu Fore River của hãng Bethlehem Steel Company tại Quincy, Massachusetts vào ngày 3 tháng 9 năm 1941. Đang khi chế tạo, nhằm ghi nhận sự dũng cảm thể hiện bởi chiếc tàu tuần dương Australia HMAS Canberra trong Trận chiến đảo Savo, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt mong muốn kỷ niệm việc mất chiếc tàu chiến Australia bằng cách đặt tên một tàu chiến Mỹ để tôn vinh nó: Pittsburgh đã được chọn và được đổi tên thành USS Canberra.[2] Con tàu được hạ thủy vào ngày 19 tháng 4 năm 1943, được đỡ đầu bởi Lady Alice C. Dixon, phu nhân Đại sứ Australia tại Hoa Kỳ Sir Owen Dixon, trở thành chiếc tàu chiến duy nhất của Hải quân Mỹ mang tên một tàu chiến hay tên một thành phố nước ngoài.[3] Chính phủ Australia đáp trả sự tôn trọng này bằng cách đặt tên một tàu khu trục mới lớp TribalHMAS Bataan nhằm tôn vinh trận Bataan của quân đội Mỹ. Canberra được cho nhập biên chế cùng Hải quân Mỹ vào ngày 14 tháng 10 năm 1943 dưới quyền chỉ huy của hạm trưởng, Đại tá Hải quân Alex Rieman Early.[4]